Thiết kế xây dựng nhà ở cần chuẩn bị những hồ sơ gì?

Hồ sơ thiết kế xây dựng được xem là kết quả đầu tiên trong quy trình thiết kế nhà ở. Chúng là cầu nối vô cùng quan trọng giữa đơn vị thiết kế – thi công, gia chủ và ngôi nhà. Vậy bộ hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở dân dụng bao gồm những gì? Cần chú ý gì trong bộ hồ sơ thiết kế xây dựng? Hãy cùng Binba Decor tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Tầm quan trọng của hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở

Bộ hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở được thể hiện qua hình dạng kiến trúc, kết cấu chi tiết của công trình. Vai trò của hồ sơ thiết kế sẽ như kim chỉ nam giúp cho gia chủ định hình tổng quan hơn về công trình nhà ở. Nói theo cách khác thì những mong muốn của gia chủ sẽ được hiện thực hóa thông qua các bản vẽ thiết kế. 

Dựa vào hồ sơ này, bạn cũng có thể quản lý được số lượng, chất lượng vật tư xây dựng. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng dư thừa, thiếu hụt hay thất thoát vật tư khi thi công. Từ đó giảm thiểu được những chi phí phát sinh không cần thiết.

hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở
Tầm quan trọng của hồ sơ thiết kế là điều không thể phủ nhận khi xây dựng nhà ở nói riêng và xây dựng công trình nói chung.

Một công dụng khác của hồ sơ thiết kế xây dựng đó là giúp gia chủ kiểm soát được tiến độ thi công ngôi nhà. Các thông tin kỹ thuật cụ thể trong bản thiết kế sẽ giúp bạn chủ động hơn trong công tác kiểm tra chất lượng công trình.

Ngoài ra, hồ sơ thiết kế xây dựng còn giúp cho công tác sửa chữa trở nên thuận tiện về sau. Bởi các sự cố về hệ thống điện, nước ít nhiều sẽ xảy ra qua thời gian dài sử dụng. Có được sơ đồ hệ thống kỹ thuật chi tiết rõ ràng sẽ giúp gia chủ dễ dàng tìm ra vấn đề và giải quyết chúng một cách triệt để, hiệu quả hơn.

Bộ hồ sơ thiết kế nhà chuẩn bao gồm những gì?

Trong xây dựng, tầm quan trọng của hồ sơ thiết kế là điều không thể phủ nhận. Một bộ hồ sơ tiêu chuẩn và đầy đủ cần phải có các bản vẽ cơ bản. Đó là những bản vẽ liên quan đến kiến trúc, kết cấu và hệ thống kỹ thuật (điện – nước). Những mô tả về nội ngoại thất của công trình và dự toán cũng được đề cập trong hồ sơ. Nhờ đó gia chủ sẽ có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn về công trình của mình. 

Tuy nhiên, các thông tin chuyên môn được đề cập đến trong bản vẽ khiến nhiều người khó khăn trong việc hiểu rõ chúng. Nội dung dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vai trò của từng hồ sơ cho bạn.

Hồ sơ thiết kế kiến trúc

Trong bộ hồ sơ thiết kế nhà ở, bản vẽ kiến trúc thể hiện đầy đủ mặt bằng, mặt đứng và mặt cắt. Đây sẽ là cơ sở để người xem có thể đánh giá tổng thể cả công trình xây dựng. Theo đó, phần thiết kế kiến trúc sẽ bao gồm các nội dung sau:

  • Mặt bằng định vị vị trí xây dựng
  • Mặt bằng bố trí vật dụng các tầng, mặt bằng mái
  • Mặt bằng kích thước các tầng
  • Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chi tiết; cấu tạo chi tiết
  • Mặt bằng hoàn thiện sàn, trần các tầng
  • Chi tiết cửa, cầu thang, vệ sinh, trần

Phong cách thiết kế mang đậm dấu ấn cá nhân sẽ được phô bày rõ nét qua bản vẽ kiến trúc. Các vấn đề liên quan đến phong cách thiết kế, bố trí công năng, phong thủy hay ngân sách tài chính sẽ được kiến trúc sư đưa ra giải pháp ngay trong bản vẽ này. Sao cho phù hợp với lối sống, cá tính cũng như sở thích của gia chủ.

hồ sơ thiết kế kiến trúc
Bản vẽ thiết kế kiến trúc thể hiện vẻ đẹp về nghệ thuật, hình dáng, tỷ lệ cân đối giữa các kích thước của ngôi nhà.

Hồ sơ thiết kế kết cấu

Kết cấu ngôi nhà được ví như xương sống của toàn bộ công trình. Nếu như bản vẽ thiết kế kiến trúc quyết định giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà. Thì bản vẽ kết cấu lại đảm bảo tính chắc chắn, an toàn cho cả ngôi nhà với những tính toán chuẩn xác.

Hồ sơ thiết kế kết cấu bao gồm: kết cấu móng, kết cấu phần thân và kết cấu mái.

Trong kết cấu, phần móng đóng vai trò vô cùng quan trọng khi chịu tải trọng toàn bộ công trình. Theo các khảo sát, có đến 70% công trình gặp sự cố với nguyên nhân từ phần nền móng. Do đó, một phần móng chắc chắn và phù hợp với loại đất tại khu vực xây dựng công trình là điều kiện tiên quyết mà gia chủ cần hết sức lưu tâm đến. Còn phần thân giống như đoạn xương nối nhằm nâng đỡ ngôi nhà. Kết cấu phần thân nhờ vào cột, dầm, tường, sàn, gác, cầu thang,… đóng vai trò gắn kết các thành tố của ngôi nhà lại với nhau.

Danh mục bản vẽ thiết kế kỹ thuật phần kết cấu thường thể hiện chi tiết các nội dung sau:

  • Mặt bằng định vị các cấu kiện (móng, đà kiềng, dầm, sàn, cầu thang, cột…)
  • Chi tiết các cấu kiện
  • Chi tiết gia cường, bố trụ tường, dầm, cột,…

Hồ sơ thiết kế hệ thống kỹ thuật

Hồ sơ thiết kế hệ thống kỹ thuật cơ bản bao gồm hệ thống cấp – thoát điện, nước. Tùy vào nhu cầu sử dụng của chủ nhà mà có thể phát sinh thêm hệ thống internet, điện lạnh, an ninh,… Tất cả sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cho toàn hệ thống hoạt động an toàn, ổn định và tiết kiệm.

Hệ thống chi tiết kỹ thuật trên sẽ được thể hiện trong hồ sơ thiết kế thông qua các bản vẽ sau:

  • Các chi tiết lắp đặt (công tắc chiếu sáng, trunking, ổ cắm điện, tủ điện âm tường…)
  • Sơ đồ nguyên lý hệ thống điện, nguyên lý cấp nước
  • Mặt bằng cấp nguồn điện, cấp nước – thoát nước, điện lạnh, lắp đặt camera tại các tầng
  • Mặt bằng định vị đèn các tầng
  • Mặt bằng hoàn thiện công tắc các tầng
  • Mặt bằng, mặt cắt hầm tự hoại

Hồ sơ thiết kế ngoại thất

Không chỉ là vẻ bề ngoài, ngoại thất còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công năng sử dụng của công trình. Do đó, chúng cần được tính toán sao cho thật chuẩn xác khi thiết kế. Các hạng mục như ban công, cổng, hàng rào, đèn trang trí,… phải được bài trí thế nào cho thẩm mỹ. Công đoạn lựa chọn sơn ngoại thất, chất liệu cho phần mái… cũng sẽ được giải quyết ở ngay khi thực hiện bộ hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở này.

Hồ sơ thiết kế nội thất

Trong mọi công trình, nội thất vừa giúp tô điểm cho ngôi nhà vừa góp phần thể hiện cá tính của gia chủ. Ngày nay có nhiều phong cách thiết kế nội thất để bạn lựa chọn cho tổ ấm của mình. Từ phong cách tối giản, hiện đại đến đương đại, cổ điển, tân cổ điển,… Qua đó, với bản render 3D sẽ giúp gia chủ dễ dàng hình dung rõ nét hơn về thiết kế của ngôi nhà.

hồ sơ thiết kế nội thất
Trong hồ sơ thiết kế nội thất phải có thêm bản phối cảnh mặt bằng. Chúng thể hiện rõ cơ cấu không gian chi tiết đồ đạc trong từng phòng. Giúp gia chủ dễ dàng hình dung được nội thất căn nhà của mình.

Hồ sơ dự toán giá thành công trình

Cả 5 hồ sơ thiết kế được đề cập ở trên đều trực tiếp ảnh hưởng đến dự toán giá thành của toàn bộ công trình. Có thể nói, vấn đề về tài chính luôn là mối bận tâm của đa số gia chủ khi xây nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thành của công trình không có một con số cụ thể nào hết. Bởi chúng còn tùy thuộc vào quy mô, nguyên vật liệu xây dựng, thiết bị,… 

Các khoản chi dự trù giá thành công trình thông thường bao gồm:

  • Chi phí trực tiếp: nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công…
  • Chi phí gián tiếp: chi phí quản lý, lán trại, trắc đạc…
  • Thuế GTGT

Một số chú ý về bộ hồ sơ xây dựng công trình

  • Đối với hồ sơ thiết kế cải tạo cần có thêm bản vẽ hiện trạng và bản vẽ đập phá.
  • Hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở sẽ được in thành 3 bộ A3 (gồm 1 bộ gốc có dấu và chữ ký của các thành viên tham gia thiết kế và 2 bộ photocopy của bộ gốc).
  • Bên phía đơn vị thiết kế sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ thiết kế trước pháp luật. Khách hàng sẽ là bên bảo quản hồ sơ gốc, mọi chỉnh sửa thiết kế phải được bên thiết kế đồng ý vào hồ sơ gốc.
  • Khi có thay đổi hay phát sinh thiết kế, hồ sơ cũ được thu lại trước khi xuất hồ sơ mới. Phần thay đổi, phát sinh sẽ được tính toán chi phí phát sinh tương ứng với khối lượng thay đổi, phát sinh.
bộ hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở
Bộ hồ sơ sẽ được in thành 3 bản với 1 bản gốc và 2 bản photocopy bản gốc.

Hy vọng với những thông tin cơ bản trên về bộ hồ sơ thiết kế xây dựng đã giúp cho bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của chúng. Đồng thời hiểu hơn về những thông tin chuyên môn có trong bộ hồ sơ này.

Nếu bạn đang có nhu cầu thiết kế thi công nhà ở thì hãy liên hệ ngay với Binba Decor để được tư vấn giúp bạn miễn phí:

Địa chỉ: 107 Dân Chủ, Phường Bình Thọ, Thủ Đức, Tp HCM

Hotline: 090.111.33.22

Fanpage: https://facebook.com/BinbaDecor

Xem thêm:

Cách tính chi phí xây dựng đơn giản và dễ hiểu nhất

Tổng hợp 15+ mẫu thiết kế xây dựng nhà đẹp nhất 2021